Ghép cành cải tạo vườn điều già cỗi
Tại Bình Phước, từ năm 2011 - 2015, diện tích trồng điều sụt giảm nhanh chóng (khoảng 20.000 ha) do năng suất thấp nên người dân ồ ạt chặt bỏ. Trước thực trạng đó, đòi hỏi các cấp ngành chức năng phải có biện pháp để ổn định diện tích, đồng thời có biện pháp nâng cao năng suất cây điều.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, công việc cấp bách trước mắt đặt ra cho ngành điều Bình Phước chính là đẩy mạnh công tác cải tạo vườn điều. Các biện pháp tốt nhất là đẩy mạnh khâu ghép, vì nếu trồng mới sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân, từ 5 đến 6 năm sẽ không có thu nhập.
Dựa vào ý tưởng ghép cải tạo vườn điều của một số người nông dân tại xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập (nay xã thuộc huyện Phú Riềng) theo hình thức ghép cành đã cho hiệu quả, năng suất cao, Hội Điều Bình Phước đã phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật các huyện xây dựng 41 mô hình với diện tích 41 ha. Đây là diện tích điều năng suất, chất lượng thấp thực hiện ghép cành thành vườn điều năng suất, chất lượng cao tại các huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng, Đồng Phú và thị xã Đồng Xoài.
Ông Hoàng Văn Tần, thôn 8 xã Long Hà, huyện Phú Riềng cho biết: “Từ 2001 tôi đã bắt đầu ghép cải tạo, loại bỏ cành cũ, chọn giống đạt sản lượng cao, mẫu mã tốt để ghép. Đến thời điểm hiện nay, tôi đã thành công một số mô hình”.
Qua thực tế trên vườn cây đã ghép cho thấy, cành điều ghép mới khỏe mạnh và có sức sống gấp nhiều lần so với cây điều già. Chồi ghép có sức đề kháng rất tốt, ra nhiều hoa, nhiều đợt và tỷ lệ hoa đậu trái rất cao. Cành điều ghép ra quả hạt to, đều, chắc và không bị đen hạt, trung bình khoảng 120 hạt/kg nên thương lái thu mua với giá cao. Người trồng điều rất phấn khởi, học tập và áp dụng theo.
Phương pháp ghép cành cải tạo vườn điều già cỗi đã giúp người nông dân tăng năng suất, nâng chất lượng hạt điều gấp 4 - 5 lần so với trước đây. Từ đây, người trồng điều có thể làm giàu từ cây điều, phát triển cây điều bền vững, thoát khỏi điệp khúc “trồng - chặt, chặt - trồng” do năng suất thấp, kém hiệu quả trong những năm vừa qua. Với phương pháp này, hiện nay đã có hơn 1.000 ha điều của người dân đã được cải tạo.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch hội Nông dân xã Long Hà huyện Phú Riềng, Bình Phước cho biết, giờ đây mô hình này còn được các tỉnh bạn đến tham quan, học tập.
Hiện nay, hạt điều nhân của Bình Phước chiếm khoảng 50% hạt điều nhân xuất khẩu của cả nước. Dây chuyền máy móc sản xuất, chế biến hạt điều được các chuyên gia đánh giá rất hiện đại trong nỗ lực tiến tới mục tiêu phát triển bền vững ngành điều. Mùa vụ năm 2016, giá hạt điều tươi dao động từ 32.000 đồng đến 35.000 đồng/kg khiến nhiều người dân rất phấn khởi.
Bên cạnh đó, năng suất của các vườn điều trên địa bàn tỉnh có những bước chuyển mình đáng kể. Năm 2009 sản lượng bình quân hạt điều Bình Phước đạt mức 940 kg/ha thì đến năm 2016 đã được nâng lên khoảng 1,4 tấn/ha. Cùng với đó, thị trường xuất khẩu điều nhân Bình Phước đã không ngừng mở rộng, không chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc và Mỹ mà còn được xuất khẩu sang thị trường mới là các nước châu Âu như Hà Lan, Anh...